Bộ Công thương đang xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 15 – 20%. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần xem xét lại mục tiêu này, bởi đã qua giai đoạn phát triển bùng nổ (14 – 16%).
Nâng tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 6% – 8%
Theo Bộ Công thương, cả nước hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics được nâng cao rõ rệt, số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp đa dạng, thị trường ngày càng mở rộng.
Nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, với đường bờ biển dài 3.260km, có nhiều cảng nước sâu, mạng lưới giao thông thuận lợi; có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển dịch vụ logistics. Thực tế, Đảng và Nhà nước cũng đã chú trọng tới phát triển ngành này, như Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14.2.2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22.2.2021 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Dù vậy, ngành dịch vụ logistics của nước ta có năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp. 89% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ (chiếm 95%), nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới (tương đương khoảng 18% GDP, trong khi mức bình quân thế giới là 14%), đóng góp vào GDP chỉ từ 4% – 5%…
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đang xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 6% – 8%; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 15% – 20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% – 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% – 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Làm rõ vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
Đánh giá cao việc xây dựng Chiến lược sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, phát triển logistics Việt Nam theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho rằng, cần xem xét lại các mục tiêu cụ thể.
Ông Hiệp nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành logistics đạt 15 – 20% là quá cao khi phát triển logistics Việt Nam đã qua giai đoạn bùng nổ (14 – 16%). Do đó, Bộ Công thương nên cân nhắc tốc độ tăng trưởng ngành tới năm 2030 vào khoảng 12 – 14%. Bên cạnh đó, dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu tỷ lệ thuê ngoài đến năm 2030 đạt 70 – 80%. Tuy nhiên, hiện ngành logistics đã đạt được con số này, nên cần đặt mục tiêu cao hơn.
Về mục tiêu chi phí logistics tới năm 2030 là 16 – 18% so với GDP, theo đại diện VLA, đây là con số phù hợp với thời điểm hiện tại. Song, với mốc 2030, chi phí logistics so GDP sẽ còn được kéo giảm hơn nữa bởi GDP Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt trong suốt giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, chi phí logistics đã được tổ chức quốc tế tính toán và lấy số liệu cách đây hàng chục năm. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán lại để đưa ra mục tiêu bám sát với tình hình.
Cũng theo Chủ tịch VLA, mục tiêu xếp hạng LPI trong nhóm 45 nước là khiêm tốn khi năm 2023 đứng thứ 43, vì thế, nên điều chỉnh LPI đứng thứ 35 – 40 sẽ phù hợp hơn. Ngoài ra, các mục tiêu chuyển đổi, tự động hóa số, hay bảo vệ môi trường cần được cụ thể hóa.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp logistics hầu hết là vừa và nhỏ. Bởi thế, cần đưa ra mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhóm doanh nghiệp này, vì đây là yếu tố quyết định đến việc nâng cao thị phần nội địa. Cùng với đó, xây dựng chuỗi cung ứng xanh đang xu hướng tất yếu, Chính phủ cần đầu tư vào hệ thống hạ tầng logistics xanh, đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, có các ưu đãi về thuế, phí cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics phát triển, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, Chiến lược cần phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng. Đơn cử, với VLA hiện có 750 hội viên, quy tụ được các doanh nghiệp logistics hàng đầu cả nước. Nếu làm rõ được vai trò của hiệp hội trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị phần, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xếp hạng doanh nghiệp, chuyển đổi số… chắc chắn sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, qua đó góp phần cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030.
Theo Báo Đại biểu nhân dân